Khi mở miệng và nghe thấy tiếng kêu từ xương hàm, có thể bạn sẽ cảm thấy lo lắng và tự hỏi điều gì đang diễn ra. Đây là tình trạng mà nhiều người gặp phải, và nguyên nhân thường là do căng cơ hoặc do các vấn đề ở khớp thái dương hàm (TMJ).
Hôm nay tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách điều trị xương hàm kêu khi há miệng, từ đó giúp bạn cải thiện khớp hàm một cách hiệu quả.
Nguyên nhân xương hàm kêu khi há miệng
Xương hàm kêu khi há miệng thường là dấu hiệu của các vấn đề liên quan đến khớp thái dương hàm, khớp nối giữa hàm và xương sọ, giúp chúng ta thực hiện các hoạt động nhai, nói, và mở miệng. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này bao gồm:
Rối loạn khớp thái dương hàm
Khớp thái dương hàm bao gồm hai đĩa sụn nhỏ (đĩa khớp) hoạt động như một miếng đệm giữa xương hàm và xương sọ, giúp cho chuyển động trơn tru. Khi đĩa sụn bị dịch chuyển hoặc lệch khỏi vị trí, nó sẽ tạo ra tiếng kêu khi hàm di chuyển.
Rối loạn khớp thái dương hàm có thể phát sinh do nhiều yếu tố như viêm khớp, thoái hóa sụn, hoặc chấn thương vùng hàm. Những tác động này khiến đĩa khớp không hoạt động đúng, dẫn đến tiếng kêu hoặc đau khi há miệng.
Sai lệch hàm hoặc cắn lệch
Khi hàm hoặc răng không thẳng hàng, quá trình cắn và nhai sẽ tạo áp lực không đều lên các vùng khác nhau của khớp hàm. Kết quả là xương hàm phải chịu áp lực bất thường khi di chuyển, làm tăng khả năng tạo tiếng kêu.
Các vấn đề về chỉnh nha, lệch khớp cắn do mất răng, hoặc sai lệch xương hàm bẩm sinh đều có thể gây ra tình trạng sai lệch hàm và cắn lệch.
Căng thẳng và thói quen nghiến răng
Nghiến răng là thói quen gây căng thẳng lớn cho cơ và khớp hàm, đặc biệt khi nghiến vào ban đêm. Lực nén này sẽ làm cơ hàm mệt mỏi, căng cứng, và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của khớp hàm.
Bên cạnh đó, khi cơ hàm bị căng quá mức, chúng có thể gây ra sự trật khớp nhẹ, khiến hàm phát ra tiếng kêu khi mở hoặc đóng miệng. Những người hay căng thẳng, stress cũng dễ bị nghiến răng hơn, và điều này dẫn đến tình trạng kêu khi há miệng.
Chấn thương hoặc tai nạn
Bất kỳ chấn thương nào ở vùng hàm hoặc đầu đều có thể làm tổn thương khớp thái dương hàm, làm cho cơ chế hoạt động của khớp này bị sai lệch. Ngay cả các va đập nhỏ nhưng lặp đi lặp lại cũng có thể làm khớp hàm không ổn định, dẫn đến tiếng kêu khi há miệng.
Khi khớp hàm bị tổn thương, nó không chỉ ảnh hưởng đến cơ và dây chằng quanh hàm mà còn gây ra tiếng kêu mỗi khi vận động mạnh, như khi há miệng lớn hoặc nhai thức ăn cứng.
Các yếu tố khác như thoái hóa khớp và viêm khớp
Ngoài ra, khi tuổi tác cao, sụn khớp và các đĩa đệm trong khớp thái dương hầm cũng dần bị hao mòn, làm mất đi sự linh hoạt và đàn hồi của khớp, dẫn đến những tiếng kêu khi há miệng.
Xương hàm kêu khi há miệng nguy hiểm không?
Tiếng kêu ở xương hàm khi há miệng thường không nguy hiểm và có thể xuất phát từ những lý do đơn giản như sự lệch nhẹ của khớp hàm hoặc căng cơ hàm. Theo nhiều nghiên cứu, chỉ có 7% trường hợp bị xương hàm kêu khi há miệng là trở nặng. Những trường hợp còn lại chỉ bị 1 thời gian là hết được.
Tuy nhiên, nếu tiếng kêu đi kèm các triệu chứng khác như đau nhức, sưng tấy hoặc khó mở miệng, đây có thể là dấu hiệu về tình trạng liên quan đến khớp thái dương hàm.
Trong trường hợp không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể tiến triển nghiêm trọng hơn với các biến chứng như:
- Thoái hóa khớp thái dương: Sự hao mòn bề mặt khớp có thể khiến việc vận động hàm trở nên khó khăn.
- Tiêu xương chỏm cầu lồi và mòn sụn: Đây là hiện tượng tiêu xương ở phần khớp do viêm nhiễm kéo dài.
- Dính khớp hoặc viêm lan rộng: Viêm có thể gây đau đớn lan từ hàm ra cổ, tai và vai.
Vì vậy, nếu bạn gặp phải các triệu chứng kèm theo như đau nhức, cứng hàm, khó há miệng hay đau lan đến các vùng khác, việc thăm khám nha sĩ chuyên khoa là cần thiết để đảm bảo sức khỏe và tránh các biến chứng không mong muốn.
Cách điều trị xương hàm kêu khi há miệng
Cách điều trị tại nhà
Trong 1 số trường hợp bị nhẹ, bạn hoàn toàn có thể tự điều trị tình trạng xương hàm kêu khi há miệng bằng 1 số phương pháp sau:
- Thực hiện 1 số bài tập đơn giản như mở và đóng miệng nhẹ nhàng hoặc thử đẩy hàm sang trái, phải với hai ngón tay để giữ hàm cố định giúp giãn cơ hàm và giảm áp lực lên khớp.
- Dùng tay massage nhẹ nhàng xung quanh hàm trước khi ăn khoảng 5 – 10 phút hoặc vào những lúc bị căng thẳng.
- Khi ăn thì bạn nên nhai bằng hai hàm và nhai thật chậm để tránh tình trạng lệch khớp cắn.
- Dùng khăn ấm hoặc túi đá để chườm lên vùng hàm. Chườm ấm giúp giãn cơ và tăng lưu thông máu, trong khi chườm lạnh có thể giúp giảm sưng và đau.
- Thực hiện các phương pháp thư giãn như thiền, yoga, hoặc hít thở sâu nhằm làm áp lực lên khớp hàm.
- Tránh ăn thực phẩm cứng hoặc dai như bánh mì cứng hay thịt đỏ. Thay vào đó, chọn thực phẩm mềm như súp, khoai tây nghiền, và trứng để giảm áp lực lên khớp hàm.
- Hạn chế há miệng quá lớn hoặc há miệng những lúc đang bị đau.
Điều trị tại nha khoa
Trong trường hợp bị nặng, thì việc áp dụng các phương pháp điều trị y tế là điều cần thiết. Nha sĩ có thể khuyên bệnh nhân thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện chức năng và sự linh hoạt của cơ hàm, giúp giảm tiếng kêu khi há miệng.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể đeo máng nhai để bảo vệ răng khỏi mài mòn và giảm áp lực lên khớp hàm, đặc biệt là với những người có thói quen nghiến răng vào ban đêm.
Nếu đau nặng, bác sĩ có thể thực hiện bấm huyệt hoặc châm cứu vào các điểm kích hoạt trên cơ mặt để giảm đau.
Trong trường hợp các biện pháp trên không hiệu quả, phẫu thuật khớp thái dương hàm là giải pháp cuối cùng, bao gồm việc sửa chữa hoặc thay thế khớp cắn.
Cách phòng tránh tình trạng xương hàm kêu khi há miệng
Để duy trì sức khỏe cho khớp hàm và ngăn ngừa tình trạng xương hàm kêu, bạn có thể thực hiện một số mẹo sau:
- Giữ tư thế đúng: Đảm bảo tư thế đầu và cổ đúng khi ngồi làm việc hoặc sử dụng điện thoại. Tránh cúi đầu quá nhiều về phía trước.
- Thực hiện bài tập thư giãn: Dành thời gian mỗi ngày để thực hiện các bài tập thư giãn cho cơ mặt và cổ; hoặc massage nhẹ nhàng vùng cơ quanh hàm.
- Không nên nghiến răng, cắn móng tay, hay sử dụng răng để mở nắp chai hay đồ vật cứng.
- Đến bác sĩ nha khoa ít nhất mỗi 6 tháng để kiểm tra sức khỏe răng miệng và phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến khớp thái dương hàm.
Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã có thể hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách điều trị tình trạng xương hàm kêu khi há miệng. Nếu bạn còn điều gì thắc mắc về phương pháp điều trị tình trạng xương hàm kêu khi há miệng thi bạn có thể để lại thông tin ở form dưới đây để được đội ngũ nha sĩ tại Nha khoa Venus giải đáp chi tiết hơn nhé!